Giữa chừng đoạn đường đèo huyền thoại

Mãi vòng quanh uốn lượn chừng trên 10 cây số ngược đất Bình Định lên cao nguyên trung phần, chúng tôi đã đứng giữa con đèo dài nhất và hiểm nguy nhất trên quốc lộ 19, án ngữ giữa hai vùng đất đồng bằng và miền núi, nóng và lạnh, nắng và mưa, Hạ đạo và Thượng đạo của xứ Tây Sơn. Ðèo An Khê ngày trước là con đường núi quanh co, khúc khuỷu, có nhiều hang hóc, vách đá chắn ngang hiểm trở. Thời ấy, người Kinh và người Ba Na giao thương, trao đổi phẩm vật thường dùng đèo Vạn Tuế qua ngã Vĩnh Thạnh và Cửu An, cách đó chừng 10 km về phía bắc. Đèo An Khê cao 740 m so với mực nước biển và dài trên 13 cây số chạy từ tây xuống đông. Trước kia, khi quốc lộ 19 chưa mở, đèo chỉ là con đường nhỏ, có nhiều dốc ngược vòng vèo, lởm chởm đá, có khúc phải dạng hai chân mà leo mới khỏi té, nên gọi là dốc Chàng Hảng.

Khúc cua tay áo hiểm nguy nhất trên lưng chừng đèo.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đèo An Khê là nơi anh hùng Ngô Mây ôm bom cảm tử. Hôm ấy là vào khoảng 8 giờ ngày 24/10/1947, một đoàn 4 xe GMC chở đầy lính Âu Phi từ An Khê chạy tới. Vừa thấy cầu bị cháy (đêm 23/10/1947, quân ta đã đốt cầu Suối Vối), tên sĩ quan chỉ huy Pháp cho xe dừng lại. Ở phía Đông đường, quân ta nhất tề nổ súng. Bọn giặc nhảy xuống xe dùng hỏa lực phản ứng mạnh. Súng trung liên của ta bắn được hai loạt 12 viên thì bị hóc đạn, sửa được bắn tiếp một loạt nữa lại hóc, đạn cũng chỉ còn 6 viên, súng trường mỗi cây 5 viên, cũng hết đạn. Ta trợ thời rút về hướng Đông. Vừa lúc ấy có tiếng xe thiết giáp ầm ầm chạy tới. Một xe AM to lớn đen sì dừng giữa trận địa. Đoàn xe 5 chiếc cụm lại, địch đứng khá đông quanh xe bọc thép. Toàn bộ chúng đều tập trung chú ý về hướng ta thu quân. Tên chỉ huy đứng trên xe AM quát to: “Việt Minh đâu, Việt Minh đâu?”. Khi xe thiết giáp giặc nằm ngay trước mặt, giờ quyết định đã đến. Ngô Mây cởi đôi dép cao su và chiếc áo may ô còn lại trong người trao cho một đồng đội, nói: “Tôi gửi lại cho anh em dùng vì những thứ này tôi không cần nữa! Tôi đi đây!”. Siết mạnh tay đồng đội, từ trong bụi rậm ở phía Tây đường trước sự ngơ ngác và hết vía của lũ giặc Pháp, Ngô Mây như một mũi tên, bất ngờ lao ra, ôm bom 3 càng lao thẳng vào xe bọc thép giặc. Một tiếng nổ rung trời… Bọn giặc kinh hoàng vội vã tháo chạy. Một xe bọc thép, hai xe GMC và gần một trung đội lính Âu Phi trên xe, dưới đất bị xoá sổ. Và Ngô Mây, người anh hùng quyết tử chỉ còn lại chiếc khăn quàng đỏ nằm vắt trên ngọn một cây cao. Năm ấy Ngô Mây vừa tròn 23 tuổi.

 

Từ trên đỉnh núi nhìn xuống, con đèo đẹp lung linh trong nắng.

Đèo An Khê cũng là nơi diễn ra bài học "kinh điển" của ngành vận tải siêu trường siêu trọng khi chở tổ máy tubin phát điện xây dựng nhà máy Thuỷ điện Yaly. Cả một chiếc Tubin nặng hơn 100 ton, đường kính hơn một chục mét được tàu biển đưa vào cặp bến Quy Nhơn rồi cẩu lên nằm "chềnh ềnh" trên sàn 2 chiếc rơmooc đặc chủng 32 lốp đấu đít vào nhau, 3 chiếc xe Ural hạng nặng được huy động vào việc kéo chiếc Tubin này lên Sê San. Hai chiếc nhận nhiệm vụ kéo, một chiếc đẩy đít…. 1 xe CA đi dẹp đường. Chiếc Tubin choán hết cả mặt đường khiến cho việc di chuyển của chiếc xe cực kỳ khó khăn. Khi lên đèo An Khê, có cả hai chiếc xe xúc ủi đi kèm theo đề phòng trục trặc. Có hơn 20 km qua đèo An Khê mà cuộc chuyển vận tổ máy phát điện này đi mất 3 ngày ròng rã…

Mưu sinh ở lưng đèo

Bây giờ, đường đèo rộng rãi và rất láng mịn, đi qua hai con đèo này, xe chạy ro ro và ôm cua cực "ngọt" vì đường quá tốt. Một màu xanh mướt của cây cối trên đèo rậm rạp, thi thoảng còn có buôn làng của người M'nông, Xê đăng và Ba Na nằm cheo leo trên sườn đồi hoặc lọt thỏm giữa thung lũng bên dưới, hai bên đường, những am thờ nhỏ ngày ngày nghi ngút khói huơng tưởng nhớ những người không may thiệt mạng vì tai nạn…

Miếu thờ bên lưng đèo.

Không biết từ bao giờ, khu vực đèo này đã có hàng chục người dân nghèo mưu sinh buôn bán. Từng ngày, họ trông chờ vào những chuyến xe dừng chân nghỉ ngơi chuẩn bị lên hoặc xuống đèo để bán từng chai nước, từng điếu thuốc lá, cái bánh ít… kiếm tiền trang trải cuộc sống. Mỗi người, mỗi cảnh nhưng chung quy họ đều nghèo, nghèo nên phải mưu sinh nhọc nhằn, vất vả…

Chúng tôi đến đỉnh đèo, vào một quán nước bên đường ngồi, vợ chồng anh chủ quán võng thân mật tâm can: “Nhà tôi ở dưới Tuy Phước (Bình Định), lên đây buôn bán cũng được chừng hơn 3 năm trời. Hồi trước sáng vợ chồng đèo nhau lên bằng chiếc xe 81 lúc 6 giờ, ở đây đến 7 giờ tối mới về. Sau thấy bất tiện quá nên chuyển hẳn lên đây dựng nhà. Giờ quen rồi không muốn xuống nữa!” Theo anh Hùng cho biết, trên đèo An Khê này có nhiều hộ, chủ yếu là buôn bán nước giải khát, hàng lưu niệm, quán ăn và một số dịch vụ khác. Còn lại khoảng 5-6 hộ sống vơi đèo với vài tiệm vá xe, nước mui… cuộc sống cũng nhiều vất vả.

Khí hậu đồng bằng và cao nguyên thay đổi rõ rệt khi lên đèo.

Một chiếc xe khách dừng lại, tài xế kiểm tra lại xe để chuẩn bị đổ đèo, ngay tức khắc những tiếng mời chào “mua bánh đi em ơi!”, “chú ơi mua nước!”, “thuốc lá anh ơi…” vây quanh lấy những hành khách. Nhưng những cái lắc đầu của hành khách khiến gương mặt đang niềm nở của những người bán hàng rong bỗng trở nên buồn bã, rồi họ dồn về một góc, nhưng ánh mắt luôn hướng về phía trước với hy vọng có ai đó sẽ mua hàng giùm mình…

Người phụ nữ 51 tuổi, có nhà trên TX An Khê nhưng cũng ra đây “mưu sinh” bằng góc quán cóc này, bà có một co con gái đang học cấp ba, những lúc rảnh rỗi thường ra đây phụ mẹ buôn bán. Bà cho biết: “Ban đầu cũng chật vật lắm, một ngày bán chưa được mười ngàn, lấy gì nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học ở nhà. Rồi cuối cùng cũng qua cả. Bây giờ khách du lịch lên đây nhiều, buôn bán cũng khấm khá hơn.”…

Trên vơi đèo, vẫn có những hộ dân sinh sống bao năm qua.

Chiều xuống trên đỉnh An Khê, chúng tôi chia tay với những hộ dân buôn bán trên đỉnh đèo để hướng về đồng bằng, ánh nắng chênh chếch chiếu xuống con đường ngoằn ngoèo, như sợi dây mỏng mảnh vắt ngang sườn núi, những chuyến xe ngược lên miền cao nguyên trung phần chậm rãi trong non nước đẹp vô cùng. Bây giờ, đèo An Khê đã là địa chỉ du lịch hấp dẫn của hai tỉnh Gia Lai và Bình Ðịnh.

Ðến đây, mọi người sẽ được mắt thấy, tai nghe biết bao câu chuyện kể về nhà Tây Sơn, về Tây Sơn thượng đạo, về đất Cửu An, Tú Thủy, núi Hoàng Ðế, đồng Cô Hầu, về anh hùng Ngô Mây ôm bom giết giặc, và khi Những chuyến xe tiếp chuyện đến rồi đi, bên con đèo này vẫn luôn có những người mưu sinh bằng nghề bán hàng rong. Ngày qua ngày họ vẫn tiếp hy vọng, đợi chờ… họ là những con người đang sống ở lưng đèo dù không khá giả gì nhưng rất hiền hậu và dung dị như chính mảnh đất này…

Leave a Reply

Your email address will not be published.